LOÀI THÚ MÓNG GUỐC Ở VƯỜN THÚ HÀ NỘI ĐƯỢC CHĂM SÓC NHƯ THẾ NÀO
26.07.2024 10:19
-------------
Khu trưng bày loài thú Móng guốc tại Vườn thú Hà Nội
Động vật móng guốc hay còn gọi là thú móng guốc là một nhóm đa dạng các động vật có vú. Hầu hết động vật móng guốc khi đi trên mặt đất sử dụng các đầu ngón chân, thường gọi là guốc để giúp toàn bộ trọng lượng cơ thể trong khi di chuyển. Hầu hết các loài này đều có khả năng chạy nhanh trong một thời gian dài. Động vật móng guốc thông thường được chia thành hai bộ lớn là bộ guốc chẵn và bộ guốc lẻ.
Bộ guốc chẵn gồm các họ: họ Hươu Nai, họ Hà Mã, họ Dê Cừu, họ Trâu Bò Linh Dương. Trong đó họ Hươu nai và họ Trâu Bò Linh Dương thường được xếp vào nhóm động vật ăn cỏ nhai lại.
Các cá thể thuộc Bộ guốc chẵn ở Vườn thú Hà Nội
Hà Mã
Linh Dương sừng xoắn
Linh Dương sừng kiếm
Hươu sao
Nai
Dê Cừu
Động vật thuộc bộ guốc lẻ trong Vườn thú Hà Nội chỉ có 1 họ Ngựa bao gồm 3 loài: Ngựa bạch, Ngựa vằn và Ngựa hoang.
Các cá thể thuộc Bộ guốc lẻ ở Vườn thú Hà Nội
Ngựa bạch và Ngựa vằn
Ngựa hoang
Động vật móng guốc trong Vườn thú Hà Nội chiếm một số lượng lớn trong tổng số lượng đàn động vật đang được trưng bày. Chính vì vậy công tác chăm sóc, nuôi dưỡng các loài này luôn được Ban lãnh đạo Công ty, các phòng chuyên môn, bác sỹ thú y và đội ngũ nhân viên chăm sóc động vật đặc biệt quan tâm.
Giây phút tình cảm
Nghỉ ngơi thư giãn thôi nào!
Kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng đàn động vật ở Vườn thú Hà Nội được thực hiện theo quy trình kỹ thuật do UBND Thành phố Ban hành.
Công tác vệ sinh chuồng nuôi là khâu quan trọng trong quy trình: Các nhân viên làm việc tại khu chăn nuôi phải mặc trang phục bảo hộ lao động, việc vệ sinh chuồng nuôi được duy trì thực hiện hàng ngày, định kỳ tẩy uế chuồng trại bằng thuốc khử trùng hàng tuần.
Công tác chăm sóc, nuôi dưỡng đàn thú Móng guốc được đặc biệt chú trọng từ nguồn cung cấp thực phẩm đến việc cân đối khẩu phần ăn trong ngày, điều chỉnh phương thức cho ăn sao cho phù hợp với tập tính của từng loài. Thức ăn của các loài động vật móng guốc thường là các loài thực vật như cỏ, lá cây, củ, quả, rau xanh,… Đối với loài Hươu sao, Nai, Hoẵng, Ngựa, Dê, Cừu,.. khẩu phần ăn là cỏ chỉ cần rửa sạch, để ráo rồi cho vào máng là chúng sẽ tự đến ăn. Nhưng đối với các loài Linh dương thích ăn lá cây thì nhân viên sẽ bó lá và treo lên cao.
Khu chuồng Hà Mã lại được đầu tư máy xay cỏ để nghiền nhỏ thức ăn. Hà Mã rất thích ăn cỏ xay và thường ăn hết khẩu phần ăn của mình. Ngoài ra, do tập tính hoạt động kiếm ăn chủ yếu vào ban đêm của một số loài thú móng guốc như Nai, Hươu, Hoẵng, Hà mã,…nên chúng cần ăn một bữa cỏ lúc chiều muộn. Chính vì vậy, tổ nhân viên chăm sóc thú móng guốc luôn phải có người thay phiên nhau trực đêm để cho thú ăn và đề phòng những tình huống bất ngờ khác.
Máy nghiền cỏ cho Hà mã
Giờ ăn đến rồi của Hà Mã
Công tác bảo vệ sức khoẻ cho đàn thú Móng guốc được Công ty xây dựng kế hoạch thực hiện hàng năm: tiêm phòng các loại vắcxin phòng các bệnh lở mồm long móng, bệnh tụ huyết trùng, vacxin giải độc tố yếm khí,.... 2 lần/năm; Tẩy giun sán 2 lần/năm; Để tăng cường phòng bệnh cho đàn thú móng guốc khi thời tiết chuyển mùa, trời rét đậm hay nóng bức, các bác sỹ thú y sẽ kê đơn bổ sung vitamin, khoáng chất. Các viên đá khoáng bổ sung khoáng chất sẽ được treo vào các chuồng để thú móng guốc “liếm khoáng” khi có nhu cầu.
Động vật móng guốc nói chung, đặc biệt là các loài thuộc họ Dê Cừu và Trâu Bò Linh Dương có hệ tiêu hoá rất phức tạp. Dạ dày của chúng được chia làm 4 ngăn gồm dạ cỏ, lá sách, tổ ong, múi khế cho phép chúng phân hủy cellulose từ thân, lá và hạt thành các carbohydrat đơn giản hơn. Sau khi lên men trong dạ cỏ, thức ăn đi vào dạ tổ ong và dạ lá sách, múi khế rồi mới đến ruột và được hấp thu. Chính vì vậy các loài thú móng guốc hay bị mắc các loại bệnh đường tiêu hoá như đầy hơi, khó tiêu. Nhân viên chăm sóc thường phải có kinh nghiệm phát hiện ngay để các bác sĩ thú y kịp thời xử lý.
Động vật móng guốc khá hiền lành nhút nhát nhưng khi mùa sinh sản đến chúng lại rất hung dữ, chúng đuổi húc lẫn nhau để tranh giành bạn tình hoặc lao tới nhân viên chăm sóc khi đang làm nhiệm vụ. Khi đó, các phòng nghiệp vụ phối hợp với đơn vị chăn nuôi lập phương án nhốt riêng, phân tách đàn để tránh xung đột, gây thương tích cho động vật cũng như người chăm sóc.
Đàn thú Móng guốc tại Vườn thú Hà Nội sinh trưởng và phát triển tốt
Cừu non mới sinh
Hươu con bú mẹ
Linh dương sừng kiếm non
Công tác chăm sóc và nuôi dưỡng động vật hoang dã không đơn giản như nuôi gia súc, gia cầm ở các trang trại hay trong mỗi gia đình các bạn ạ! Các loài động vật này luôn tiềm ẩn bản năng hoang dã nên người chăm sóc động vật từ đội ngũ công nhân chăn nuôi đến các bác sĩ thú y bên cạnh việc phải tỉ mỉ, cẩn trọng trong công việc còn cần phải có tình yêu nghề, tình yêu động vật đủ lớn mới có thể làm bạn và chăm sóc chúng chu đáo, không quản ngại ngày đêm để đàn thú móng guốc luôn được khoẻ mạnh, sinh trưởng và phát triển tốt trong Ngôi nhà hạnh phúc ở Vườn thú Hà Nội.
Phòng Giáo dục bảo tồn
và Phát triển kinh doanh.
|